Lần đầu tiên triển lãm quốc tế về thiết kế sáng tạo cho cộng đồng


VHO - Hôm nay 15.1, tại TP.HCM, Trường ĐH Văn Lang phối hợp cùng Hiệp hội Văn hóa và Thiết kế sản phẩm Hàn Quốc (KIDC) lần đầu tiên tổ chức triển lãm quốc tế tại Việt Nam với chủ đề “Thiết kế sáng tạo cho cộng đồng: Nâng cao hình ảnh thương hiệu địa phương”. Triển lãm quy tụ hơn 100 sản phẩm thiết kế thuộc nhiều thể loại, nổi bật nhất là các sản phẩm thiết kế phục vụ cộng đồng thể hiện bản sắc thương hiệu của các quốc gia.
Đại biểu các nước chụp ảnh lưu niệm tại triển lãm

Thiết kế sáng tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế hiện đại, khi người hoạ sĩ thiết kế góp phần tạo ra những sản phẩm và dịch vụ chất lượng phục vụ cộng đồng. Sự kiện có sự góp mặt của đại diện các trường đại học, doanh nghiệp thiết kế đến từ 19 quốc gia gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Mexico, Iran, Ấn Độ, Ba Lan, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Thụy Sĩ, Ai Cập, Hungary, Đức, Indonesia, các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Macedonia, Italia và Việt Nam. 

Triển lãm “Thiết kế sáng tạo cho cộng đồng: Nâng cao hình ảnh thương hiệu địa phương” tại Trường ĐH Văn Lang quy tụ hơn 100 sản phẩm thiết kế đồ họa, thiết kế tương tác, thiết kế sản phẩm, thiết kế thời trang, thiết kế cộng đồng và dịch vụ, thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thiết kế toàn cầu. Nổi bật nhất trong số này là các sản phẩm thiết kế phục vụ cộng đồng thể hiện bản sắc thương hiệu của các quốc gia. Ngoài ra, triển lãm cũng trưng bày các đề tài nghiên cứu về thiết kế, áp dụng lý thuyết và tư duy thiết kế vào nghiên cứu giúp người học giải quyết các vấn đề thiết kế phức tạp và đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Triển lãm tạo cơ hội cho các nhà thiết kế Việt Nam giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với đại diện của các cường quốc thiết kế trên thế giới, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác với các chuyên gia thiết kế từ các doanh nghiệp để ứng dụng thiết kế sáng tạo vào thực tế. 

Nghệ sĩ Hàn Quốc trình diễn vẽ thư pháp tại sự kiện

Ngoài triển lãm, Hội thảo khoa học trong khuôn khổ sự kiện tiếp tục chia sẻ về các giá trị học thuật, văn hoá, nghệ thuật mà sự kiện mang lại cho giới thiết kế và cộng đồng học thuật về thiết kế. Các chuyên gia từ Hàn Quốc và Việt Nam đã chia sẻ các nghiên cứu xoay quanh những chủ đề phát triển bền vững trong thiết kế và bảo tồn giá trị văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá.

Theo đó, GS Jang Changsik (Khoa Thiết kế Trực quan, ĐH Daegu) trình bày về “Chiến lược tăng trưởng ngành công nghiệp tiêu dùng địa phương”, tập trung vào các nền tảng giá trị văn hoá tại địa phương để phát triển bền vững; GS Lee Jun Oh (ĐH Nghệ thuật Truyền thông Hàn Quốc) khẳng định tầm quan trọng của sáng tạo trong việc định hình tương lai trong nghiên cứu “Sức mạnh của ý tưởng trong việc thay đổi thế giới”;

GS Byoung–il Sun (ĐH NamSeoul, Chủ tịch - nhà sáng lập Triển lãm Nghệ thuật Poster Quốc tế BIBB) chia sẻ về “Ngôn ngữ đồ họa: Hinh ảnh – thông điệp và kể chuyện”; TS Nguyễn Đắc Thái (Phó trưởng Khoa Mỹ thuật thiết kế, Trường ĐH Văn Lang) đề xuất “Sự kết hợp thiết kế dịch vụ và thiết kế bền vững để phát triển bền vững lâu dài”, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt con người làm trọng tâm trong thiết kế, mang lại lợi ích dài hạn cho cộng đồng…

Chủ tịch  KIDC Kim Gok Mi bày tỏ, triển lãm quốc tế “Thiết kế sáng tạo cho cộng đồng: Nâng cao hình ảnh thương hiệu địa phương” cũng như các hội thảo là sự kiện rất có ý nghĩa. Đây là cơ hội để trưng bày cả một tương lai mới của ngành thiết kế, tăng cường hơn nữa sự chia sẻ kinh nghiệm về thiết kế giữa các nước, đặc biệt là Việt Nam và Hàn Quốc. “Sắp tới, chúng ta cũng hãy đồng hành vì sự phát triển chung trong các lãnh vực như nghệ thuật, văn hoá, giáo dục, kỹ thuật”, Chủ tịch  Kim Gok Mi mong muốn. 

Họa sĩ Phan Quân Dũng, Trưởng khoa Mỹ thuật thiết kế, Trường ĐH Văn Lang chia sẻ, thiết kế sáng tạo là một trong những lĩnh vực đóng góp mạnh mẽ vào sự thay đổi và phát triển của một cộng đồng, hướng đến mục tiêu tạo ra những sản phẩm và dịch vụ chất lượng, đậm tính sáng tạo và khả năng đáp ứng nhu cầu cao của con người trong cuộc sống hiện đại. 

“Triển lãm tập trung vào mục tiêu giới thiệu các thiết kế vì cộng đồng và có giá trị tích cực cho sự phát triển các thương hiệu địa phương, góp phần mang lại những tác động tích cực cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây cũng là dịp các nhà thiết kế trẻ được tìm hiểu về những loại hình thiết kế mới trong nhiều lĩnh vực như thiết kế đồ họa, thiết kế tương tác, thiết kế sản phẩm, thiết kế thời trang, thiết kế cộng đồng, thiết kế dịch vụ…”, họa sĩ Phan Quân Dũng nhấn mạnh.

Sinh viên tham quan triển lãm đang trưng bày trong khuôn viên Nhà trường

Phát biểu tại triển lãm, Phó Chủ tịch Cấp cao của Liên đoàn các Hiệp hội Thiết kế Hàn Quốc (gọi tắt là KFDA) Kim Yoon Bae bày tỏ: “Tôi tin chắc rằng sự kiện lần này sẽ tác động mạnh mẽ tới sự phát triển ngành thiết kế của cả hai nước Hàn Quốc và Việt Nam. Tôi mong rằng những sự kiện tuyệt vời như thế này, cùng với Hiệp hội Thiết kế Hàn Quốc, sẽ tiếp tục được phát triển hơn nữa. Và phía Liên đoàn chúng tôi cũng sẽ cùng tích cực hợp tác đồng hành”.

Hiện nay, Trường ĐH Văn Lang hợp tác, liên kết với hơn 30 trường đại học và các công ty công nghệ Hàn Quốc để mở rộng cơ hội trao đổi học tập cho sinh viên và học viên cao học. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, Khoa Mỹ thuật và Thiết kế của Nhà trường đã hợp tác chiến lược với nhiều trường đại học tại cường quốc hàng đầu thế giới về thiết kế như: ĐH Handong, ĐH Kookmin, ĐH Sunmoon, ĐH Konkuk... 

Qua nhiều năm hợp tác, sinh viên khối ngành Mỹ thuật và Thiết kế của trường được nâng cao chuyên môn và bám sát xu hướng thiết kế toàn cầu. Các dự án cộng đồng tại Việt Nam và triển lãm Đồ án tại Hàn Quốc đã giúp tài năng sinh viên Mỹ thuật của Trường ĐH Văn Lang được công nhận và đánh giá cao bởi các công ty và doanh nghiệp Hàn Quốc.

THÙY TRANG - Báo Văn Hóa